5 xu hướng nội thất gắn với sức khỏe
Ngày nay, người tiêu dùng sẵn sàng trả chi phí mua hàng cao hơn cho những sản phẩm mang tính bền vững và bảo vệ sức khỏe. Không chỉ là sức khỏe về mặt thể chất, sức khỏe tinh thần cũng đang ngày càng được chú trọng, mà không gian nội thất chính là chìa khóa giúp cải thiện về mặt này.
Nội thất gắn với sức khỏe là đề tài không còn xa lạ. Đặc biệt kể từ sau đại dịch, các thiết kế chú trọng nhiều hơn đến tính an toàn và đảm bảo vệ sinh. Văn phòng cũng được thiết kế đa nhiệm để thích ứng với nhiều đối tượng và hình thái tâm lý khác nhau, cung cấp một môi trường làm việc linh hoạt, dễ thích nghi cho người lao động, đặc biệt là lực lượng lao động có nhiều khác biệt về mặt tâm lý.
Vật liệu xây dựng và vật liệu nội thất cũng đang trong quá trình hướng tới đảm bảo tính bền vững, thân thiện với môi trường và con người, trong đó, mục tiêu giảm khí thải carbon trong chế tạo vật liệu được ưu tiên hàng đầu.
Với các cơ sở chăm sóc sức khỏe như bệnh viện, nhà dưỡng lão, những khu trị liệu,… những xu hướng thiết kế nội thất mới cũng đang dần hình thành. Đó là:
1. Thiết kế dựa trên dữ liệu để hỗ trợ tốt nhất cho người sử dụng
Thói quen và tần suất sử dụng các thiết bị, những không gian mà người bệnh muốn lui tới trong bệnh viện, chỉ số liên quan đến sức khỏe và các món ăn trong bệnh viện, độ tin cậy của các bác sĩ,… tất cả đều trở thành dữ liệu giúp các nhà thiết kế có căn cứ để đưa ra những phương án phù hợp với người sử dụng.
Đặc biệt, các nhân viên trong bệnh viện là những người trực tiếp sinh hoạt trong môi trường này thường xuyên cũng trở thành đối tượng được nghiên cứu và thu thập dữ liệu rất hữu ích.
2. Chú trọng các chi tiết nội thất đảm bảo an toàn và vệ sinh
Những chi tiết cong giúp hạn chế sự chú ngụ của vi khuẩn hơn so với những góc khuất hoặc những chi tiết nội thất phức tạp. Sàn cứng cũng được sử dụng nhiều hơn thay vì thảm trải sàn. Đặc biệt, bề mặt kháng khuẩn sẽ quay trở lại trong tương lai gần vì nó hạn chế khả năng nhiễm khuẩn cũng như truyền bệnh.
3. Thiết kế ưa sinh học (Biophilic Design) quay trở lại
Biophilic Design không chỉ dừng lại ở việc đưa cây xanh vào không gian mà còn tái hiện cảm giác thiên nhiên ngày trong ngôi nhà của bạn, giúp kết nối không chỉ về mặt thị giác mà còn cả xúc giác, thính giác, vị giác và khứu giác với môi trường tự nhiên. Phong cách thiết kế này giúp chữa lành hiệu quả cho người bệnh và nâng cao tinh thần cho những người làm việc trong bệnh viện.
Bên cạnh đó, không gian ngoài trời trong các tòa nhà sẽ ngày càng được chú trọng với sự kết hợp giữa thiên nhiên và ánh sáng tự nhiên.
4. Cá nhân hóa các thiết kế
Thay vì những thiết kế dập khuôn truyền thống của bệnh viện thông thường, các thiết kế của không gian chăm sóc sức khỏe sẽ được định hướng theo một phong cách nhất định. Cá tính được bổ sung vào những không gian nội thất, thể hiện qua các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, hoặc kết hợp giữa ánh sáng và âm thanh để làm mới trải nghiệm của bệnh nhân.
Ván sàn tự nhiên, vách kính màu, tác phẩm nghệ thuật hay chất liệu bản địa cũng góp phần tạo ra môi trường thân thiện, thoái mái cho người sử dụng.
5. Thiết kế và thi công đúng hạn, linh hoạt và đảm bảo ngân sách
Những dự án chăm sóc sức khỏe cần được thực hiện một cách đúng hạn. Tuy vậy, những dự án này cũng đòi hỏi sự linh hoạt và có thể thay đổi nếu cần nhằm tối đa hóa việc sử dụng không gian - như đã thấy trong đại dịch. Nhân viên y tế cũng như bệnh nhân đều có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các trang thiết bị y tế.
Cuối cùng, chi phí sẽ là yếu tố cần phải được cân nhắc trong mọi trường hợp. Vật liệu sử dụng không những cần phải thân thiện với môi trường mà còn phải hợp lý về mặt kinh tế. Các thiết kế module cũng được sử dụng phổ biến giúp giảm bớt thời gian lắp đặt cũng như chi phí thiết kế.
Những thay đổi này giúp chất lượng chăm sóc sức khỏe tăng lên, đồng thời giúp cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân và giữ chân những nhân viên y tế phục vụ tại đây.